Cuộc thi nhằm hướng đến bảo vệ môi trường và truyền thông sáng tạo, lần đầu tiên được tổ chức dành cho học sinh từ 6-18 tuổi trên cả nước. Đó là cuộc thi hội tụ 3 yếu tố STEM.

 

Cuộc thi Nhà khoa học nhí đi tìm không khí sạch | Ảnh: BTC

    Theo Ban tổ chức, trẻ em là một trong những đối tượng nhạy cảm nhất với ô nhiễm không khí và cũng là nhóm đối tượng có tiềm năng sáng tạo vô hạn để đưa ra các ý tưởng giải quyết vấn đề mà các em đang gặp phải.

    Có rất nhiều câu hỏi mà trẻ em có thể đặt ra liên quan đến không khí, chẳng hạn như không khí mình đang hít thở liệu có sạch không? Đường mình đi học có đoạn nào không khí tốt hơn chỗ khác không? Các phương tiện khác nhau, hay các loại bếp đun nấu khác nhau sẽ tác động tới không khí như thế nào?

    “Những hỏi này sẽ được chính các em khám phá. Đó là điều mà chúng tôi hướng tới”, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

    Các nhà khoa học nhícó thể tự thiết kế máy đo chất lượng không khí hoặc mượn máy đo chất lượng không khí của các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để thực hiện thí nghiệm khoa học đơn giản. Các em cũng có thể sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi các đơn vị quan trắc. Trên cơ sở đó, các em phân tích kết quả/dữ liệu, rồi chia sẻ quá trình thực hiện và kết quả của mình bằng các sản phẩm truyền thông sáng tạo (video, poster, bài viết, bài báo,…) hoặc báo cáo nghiên cứu khoa học đơn giản.

    Thời gian nhận đăng ký và bài dự thi từ 22/11 - 20/12/2021; học sinh có thể đăng ký theo cá nhân hoặc nhóm (tối đa 5 thành viên).

    Các đội thi được chấm theo 5 tiêu chí: tính chính xác của thông tin, tính sáng tạo trong chủ đề, chất lượng sản phẩm truyền thông và sự lan tỏa của thông điệp, sản phẩm truyền thông/báo cáo.

    Giải thưởng được trao theo 3 khối Tiểu học, THCS và THPT, mỗi khối có: 1 giải nhất (5 triệu đồng và 1 máy đo chất lượng không khí trong nhà), 1 giải nhì (3 triệu đồng), 1 giải ba (1 triệu đồng) và 1 giải truyền thông ấn tượng (1 triệu đồng).

    Trong thời gian diễn ra cuộc thi, học sinh sẽ được hỗ trợ thông tin và tập huấn với các chuyên gia trong lĩnh vực ô nhiễm không khí, thiết kế kỹ thuật, truyền thông đến từ tổ chức Live&Learn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Báo Khoa học & Phát triển/Tạp chí Tia sáng.

    Cuộc thi do Live&Learn tổ chức với nguồn lực từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Goethe, với mong muốn thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, thiếu niên, gia đình và nhà trường trong việc chủ động tìm hiểu về ô nhiễm không khí dựa trên cơ sở khoa học.

    Thông tin chi tiết xem tại đây./.